Bắt kịp thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa, tư duy đổi mới trong thiết kế nội thất có tín hiệu khởi sắc. Song song với công cuộc đi tìm những giá trị tân thời là những chuyến du hành thời gian trở về quá khứ, chắt lọc những tinh túy và phát huy nó ở tương lai. Phong cách Industrial là một đại diện tiêu biểu. Truyền tải một vẻ đẹp phóng khoáng, mạnh mẽ và độc đáo, phong cách công nghiệp trở thành “cơn sốt” và được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam hiện nay.
1. Lịch sử hình thành phong cách Industrial
Vào đầu thế kỷ XX, phong cách Industrial xuất hiện đầu tiên ở châu Âu và trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Sau khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ II có dấu hiệu suy thoái, ngành công nghiệp biến chuyển theo xu hướng toàn cầu hóa vô cùng rõ rệt.
Để hạ thấp chi phí nhân công, những chủ doanh nghiệp đã chuyển xưởng sản xuất sang các nước thứ ba. Các nhà máy Tây Âu vì lẽ đó mà bị đóng cửa hàng loạt dẫn đến những nhà xưởng trống bị bỏ hoang.
Dân cư trong thành phố thì ngày một đông đúc, việc thiếu không gian sống là điều tất yếu. Để giải quyết tình trạng khan hiếm diện tích sinh hoạt, đối sách di tản dân cư vào các nhà xưởng cũ là hoàn toàn hợp lý. Từ đó, giải pháp cải tạo khu công nghiệp giáp thành phố lớn thành khu dân cư được thực thi.
Thay vì đập bỏ phần tàn tích còn lại và che đậy quá khứ công nghiệp của các nhà máy thì những kiến trúc sư lại lựa chọn tái sử dụng và trưng bày nó. Những căn hộ khởi nguyên từ các công xưởng cũ mọc lên, nổi bật với mảng tường lộ gạch, trần nhà thô, sàn gỗ mòn và hệ cửa sổ lớn bằng kính.

2. Phong cách Industrial và cách phối hợp màu sắc
Các gam màu mộc tự nhiên, sắc thái sậm, trầm của tông nâu và xám được sử dụng phổ biến. Nếu sợ không gian trở nên ảm đạm và thiếu sức sống thì hãy bắt đầu với các tone màu trung tính như trắng, xám, đen kết hợp cùng sắc gỗ ấm.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể tận dụng tone màu thuần túy đến từ những vật liệu như thạch cao, gạch thô, ống mạ kẽm cũ, ống nước bằng đồng,… Riêng với các vật liệu bằng kim loại thường sẽ được sơn đen nhằm tạo sự khỏe khoắn.
3. Vật liệu sử dụng chủ yếu cho phong cách Industrial
Vẫn bảo lưu các thiết kế của nhà máy cũ, phong cách công nghiệp tập trung toàn bộ vào chất liệu tự nhiên là gỗ và sắt. Bàn thường được làm từ gỗ thô, kết hợp với chân bằng thép trần. Trung hòa lại sự thô cứng, góc cạnh ấy là sự mềm mại của ghế sofa và ghế nệm bọc da hoặc vải lanh.
Để phù hợp với sắc thái của không gian, kiểu thảm truyền thống phương Đông, từ họa tiết nhạt màu đến trơn màu, được bố trí. Thảm, hoặc đan bằng sợi đay, hoặc kết hợp các lớp với nhau, cho ra đời những tác phẩm ấn tượng.
4. Phong cách Industrial và vật dụng nội thất
Có thể nói, tôn chỉ của phong cách công nghiệp chính là không câu nệ chi tiết cầu kỳ rườm rà; đường nét cần rõ ràng, dứt khoát. Kiểu dáng phóng khoáng, mạnh mẽ cộng hưởng với tính đơn giản, thô sơ nhưng vẫn đảm bảo chức năng của vật dụng.
Vật dụng nội thất
Vốn đặt công năng của không gian lên hàng đầu nên việc bày trí cây cối cũng như khung tranh hay đồ lưu niệm bị hạn chế.
Hãy chọn gối đệm thể hiện họa tiết hoặc vân da làm điểm nhấn trang trí, đồng thời bổ sung màu sắc cho thảm trải sàn.
Đối với tổng thể có phần trầm lắng như không gian Industrial thì việc bù đắp lại bằng nguồn ánh sáng tự nhiên là rất cần thiết. Hãy để hệ cửa sổ thép lớn gồm nhiều khung nhỏ lan tỏa ánh sáng giúp bạn.
Dáng dấp của nhà xưởng cũ được phác họa thông qua kiểu thiết kế tầng lửng (duplex). Tầng được kết nối bằng cầu thang khung kim loại phủ sơn đen nhám cùng tay vịn góc cạnh.
Điểm thú vị nằm ở đường ống nước, dây điện chạy nổi, được xếp gọn gàng làm vật trang trí.
Đèn trang trí phong cách nội thất Industrial thường được chia làm 2 loại. Đó là cổ điển (hoài cổ với chi tiết phù phiếm) và hình học hiện đại (thép trơn hoặc vân).
Phổ biến cho kiểu đèn trần Industrial còn có phong cách steampunk độc đáo.
Tường:
Thay vì xây trát nhẵn mịn, bức tường mang phong cách Industrial thông thường sẽ để thô, lộ mảng gạch.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều cách để truyền tải không khí, cái thần của phong cách này. Một bức tường bê tông mài hay được ốp gỗ mộc tự nhiên sẽ là sự lựa chọn không tồi.
Trần nhà:
Nhắc đến phong cách công nghiệp thì không thể quên kiểu cấu trúc trần nhà độc đáo đặc trưng. Đó là hệ thống ống dẫn cơ khí được mô phỏng tương tự như trong các công xưởng xưa. Bên cạnh để hở trần nổi bật đường ống, cột bê tông, dầm nhà, trần còn gắn đèn chiếu sáng.
Nhằm hạn chế cảm giác nặng nề, trần nhà được cơi nới cao hơn tạo chiều sâu cho không gian.
Sàn nhà:
Để thống nhất với tổng quan không gian thì sàn nhà phong cách Industrial cũng sử dụng vật liệu gỗ hoặc bê tông chưa hoàn thiện.
Bộ đôi hoàn hảo là khi tường bê tông đi với sàn gỗ và ngược lại. Chính vì thế, ta hiếm khi bắt gặp gạch bông hay gạch lát sàn hiện đại trong phong cách này.
Đọc thêm: Four Types of Industrial Style Decor
5. Vậy có thể khái quát phong cách Industrial với các đặc trưng sau đây:
- Phổ biến chất liệu bê tông và gỗ, hạn chế gia công bề mặt. Ít sử dụng gạch hoa, gạch lát sàn hiện đại. Giả lập không gian công xưởng với bức tường gạch thô, bê tông mài hoặc ốp gỗ mộc tự nhiên.
- Màu sắc xoay quanh các tone sậm và trầm. Tạo sự khỏe khoắn cho vật liệu kim loại với nước sơn đen.
- Sử dụng đồ bọc da cho ghế sofa, ghế đôn… Giới hạn trong việc bài trí cây xanh và các đồ trang trí. Thiết kế căn phòng 2 tầng (duplex), kết nối bằng cầu thang thép đơn giản cùng tay vịn góc cạnh.
6. Phong cách Industrial và cách thức bài trí chuẩn
Khắc họa một không gian đậm đà phong cách công nghiệp không hề khó nhằn như nhiều người vẫn nghĩ. Nội thất CNC sẽ bật mí cho bạn một số mẹo bày trí hữu ích sau đây:
Đừng ngại ngần mà hãy phô bày nguyên liệu thô, chi tiết đường ống nước, dây điện hay dầm nhà.
Tô điểm cho không gian bằng tác phẩm điêu khắc hoặc tranh đen trắng treo tường đơn giản, hiện đại. Tái sử dụng đồ nội thất cũ kỹ và hao mòn bởi dấu ấn của thời gian. Đừng quên tận dụng cả biển báo giao thông cũ và thảm trải sàn khổ rộng.
Hãy điều chỉnh số lượng khu vực chức năng, đồng thời giữ hệ cửa sổ trần và đơn giản hóa đồ nội thất nếu bạn mong muốn một không gian mở. Những tấm bình phong gỗ hoặc tủ đựng đồ sẽ là sự thay thế thú vị cho những bức tường nặng nề, kém linh hoạt.
7. Phạm vi áp dụng phong cách Industrial
Ở Việt Nam, phong cách công nghiệp thường được ứng dụng cho các hệ thống chuỗi coffee shop, nhà hàng hay mô hình co-working space bởi sự mới mẻ, độc đáo mà nó mang đến.
Phong cách Industrial là một làn gió phóng khoáng, độc đáo trong giới Nội thất. Nếu Scandinavian tượng trưng cho vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh lịch thì phong cách công nghiệp lại mang màu sắc rất riêng, thô mộc và mạnh mẽ. Sau bài viết, Nội thất CNC hi vọng bạn đã có được kiến thức bổ ích về phong cách này.
Xem thêm: PHONG CÁCH NỘI THẤT BẮC ÂU SCANDINAVIAN: VẺ ĐẸP CỦA SỰ THANH LỊCH
Tóm tắt nội dung
- 1 1. Lịch sử hình thành phong cách Industrial
- 2 2. Phong cách Industrial và cách phối hợp màu sắc
- 3 3. Vật liệu sử dụng chủ yếu cho phong cách Industrial
- 4 4. Phong cách Industrial và vật dụng nội thất
- 5 5. Vậy có thể khái quát phong cách Industrial với các đặc trưng sau đây:
- 6 6. Phong cách Industrial và cách thức bài trí chuẩn
- 7 7. Phạm vi áp dụng phong cách Industrial